Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhất là tại các địa phương vùng cao. Để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền về phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cho người chăn nuôi.
Nông dân huyện Trạm Tấu nuôi nhốt và bổ sung thức ăn cho trâu, bò trong những ngày giá rét.
Huyện Trạm Tấu hiện có tổng đàn gia súc chính khoảng 47.442 con. Trong đó, đàn trâu 9.895 con, đàn bò 6.397 con, đàn lợn 31.150 con. Để chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho trâu, bò, ngựa, dê, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tăng cường cách thức và các biện pháp tăng sức đề kháng, phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Cùng đó, cử cán bộ đến các xã, thị trấn hướng dẫn bà con che chắn chuồng trại cho gia súc, gia cầm bảo đảm điều kiện vệ sinh và phòng, chống đói rét, dịch bệnh. Chủ động dự trữ các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao, không thả rông...
Đồng thời, bổ sung nguồn thức ăn tinh: cám, bột ngô, bột sắn, cháo ấm...; cho uống nước ấm pha thêm muối loãng để tăng khả năng chống rét; giữ nền chuồng khô ráo, ấm áp và tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi: đốt củi, trấu gần chuồng trại; lót nền chuồng bằng rơm, rạ, trấu để gia súc ngủ, nghỉ có đủ nhiệt ấm; cho gia súc về chuồng trại, nghỉ làm việc trong những ngày mưa rét khi nhiệt độ thời tiết dưới 12 độ C.
Ngoài ra, vận động nhân dân tiêm vắc - xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi; yêu cầu các địa phương chuẩn bị trấu, củi khô, mùn cưa để đốt lửa ấm trong trường hợp rét đậm, rét hại.
Tại xã Hát Lừu, công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc luôn được địa phương chuẩn bị từ rất sớm. Do không có bãi chăn thả tập trung như các địa phương khác, nên từ lâu người dân đã chuyển hẳn sang hình thức chăn nuôi gia súc chứ không còn thả rông gia súc. Năm nay, để phòng chống rét cho gia súc, từ cuối tháng 10, xã đã chỉ đạo các hộ chăn nuôi che chắn lại chuồng trại để tránh gió lùa giữ ấm cho gia súc.
Đối với nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông, xã chỉ đạo các hộ chăm sóc tốt 9 ha cỏ trồng và trồng được hơn 5 ha ngô sinh khối và làm được gần 600 cây rơm để làm nguồn thức ăn bổ sung cho gia súc. Nhờ đó, đàn gia súc của xã luôn sinh trưởng và phát triển tốt, với tổng số gần 1.200 con trâu, bò.
Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã cho hay: "Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trên cơ sở đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, phối hợp với các đoàn thể để tập trung chỉ đạo tuyên truyền đến nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc, ngoài ra còn đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống một số bệnh thường gặp ở gia súc trong mùa đông; chỉ đạo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin theo khuyến cáo của cơ quan thú y”.
Chia sẻ về công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: huyện đã phân công cán bộ thường xuyên đến các thôn nắm bắt tình hình và chỉ đạo công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc theo đúng định kỳ; làm mới và tu sửa chuồng trại gia súc bảo đảm 3 cứng: cứng khung, cứng mái, cứng nền và tuyệt đối không để đọng nước, phân trên nền chuồng nuôi; những ngày rét đậm, rét hại và mưa, tuyết, băng giá 100% hộ chăn nuôi sử dụng bạt dứa, vật liệu khác có sẵn ở địa phương để che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc; gạt băng giá phủ trên mái chuồng nuôi và thu gom băng giá xung quanh chuồng nuôi ra xa khu vực chăn nuôi để chống rét cho gia súc.
Đối với việc dự trữ thức ăn cho gia súc, vận động nhân dân dự trữ rơm khô làm thức ăn cho trâu bò; đồng thời, trồng ngô sinh khối để lấy thân, lá làm thức ăn cho gia súc hoặc tận dụng thân, lá ngô trong vụ hè thu để dự trữ làm thức ăn thô; đảm bảo dự trữ đủ lượng thức ăn thô xanh, ngô, cám gạo, cháo loãng làm thức ăn tinh bột cho gia súc bổ sung vào những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết, băng giá kéo dài.
Hiện nay, huyện Trạm Tấu cũng đang vận động nhân dân chăm sóc tốt diện tích cỏ đã trồng và diện tích cỏ đã cho thu hoạch để bảo đảm có đủ thức ăn xanh, các hộ chăn nuôi thực hiện trồng thêm diện tích cỏ bằng các giống cỏ VA06, cỏ voi… để phục vụ chăn nuôi.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh đàn gia súc ngay từ những ngày cuối mùa thu, chắc chắn mùa đông năm nay huyện Trạm Tấu sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra và duy trì, giữ vững tổng đàn gia súc chính của địa phương.
Báo Yên Bái
Tin khác