• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Trấn Yên thâm canh, tăng năng suất măng tre Bát độ
    16/01/2024 1:40:00 CH
    Lượt xem: 2014

    Tre măng Bát độ được đưa vào trồng ở huyện Trấn Yên từ năm 2003, đến nay đã trở thành cây chủ lực giúp hàng nghìn hộ dân giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, năng suất, sản lượng măng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và diện tích. Do vậy, huyện đang triển khai nhiều giải pháp, hướng dẫn người dân cắt tỉa, thâm canh, chăm sóc để nâng cao năng suất.

    Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân xã Lương Thịnh cắt tỉa, chăm sóc tre măng Bát độ.

     

    Sau vụ măng năm 2023, gia đình anh Sổng A Sông ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca được cán bộ nông nghiệp cùng chính quyền địa phương đến hướng dẫn chặt tỉa cây mẹ, dọn vệ sinh vườn tre, đào bỏ gốc tre già, củ kẹp củ nổi, bón phân, cách khai thác củ giống, để cành chiết đảm bảo đúng kỹ thuật. 

    Anh Sông cho biết: "Tôi có hơn 2 ha tre măng Bát độ trồng từ năm 2012. Sau 3 năm trồng, cây bắt đầu được thu hoạch, mỗi năm cũng thu được khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, lâu nay, toàn bộ diện tích này cứ thu hoạch xong lại bỏ không để chờ mùa vụ sau chứ không chăm sóc chặt tỉa, bón phân. Vì vậy, có khóm tre mọc thành bụi dày đặc, sản lượng măng ít dần đi. Giờ đây, được hướng dẫn, tôi sẽ tăng cường vệ sinh, chăm sóc vườn tre với hy vọng vụ thu hoạch năm sau sẽ có sản lượng cao, tăng nguồn thu nhập của gia đình”. 

    Xã Hồng Ca có 1.290 ha tre măng Bát độ; trong đó, diện tích kinh doanh đạt 1.128 ha, sản lượng măng hàng năm đạt trung bình 9.000 tấn măng thương phẩm, giá trị đạt trên 55 tỷ đồng. Xác định được tiềm năng, lợi thế, giá trị của cây tre măng Bát độ, hàng năm ngoài việc phát triển mở rộng diện tích, xã phối hợp với đơn vị chuyên môn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân đầu tư thâm canh, chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng măng; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tốt chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... giúp vùng nguyên liệu phát triển ổn định, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

    Cùng với Hồng Ca, thời gian qua, các xã vùng nguyên liệu ở huyện Trấn Yên đã tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai các buổi hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp tại vườn, đồi về kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc, thâm canh cây măng. Nhờ đó, nhiều hộ hình thành thói quen cắt tỉa những cây già cỗi, chủ động được nguồn giống và tăng năng suất, chất lượng. 

    Chị Phạm Thị Đông ở thôn Phương Đạo, xã Lương Thịnh cho biết: "Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình chị là tập trung nhân lực lên đồi vệ sinh, chặt tỉa cây mẹ, làm cỏ bón phân nên khóm tre phát triển tốt, cho măng ổn định và rất thuận tiện trong vụ thu hoạch. Mỗi năm, diện tích tre thu được hơn 10 tấn măng tươi, giá bán 6.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 60 triệu đồng”.

    Hiện nay, huyện Trấn Yên có hơn 4.200 ha tre măng Bát độ, sản lượng măng thương phẩm thu hoạch hàng năm đạt trên 30.000 tấn, giá trị thu nhập gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều diện tích người dân chỉ khai thác mà không đầu tư thâm canh, diện tích được bón phân hàng năm không đáng kể. 

    Đặc biệt, việc khai thác, chăm sóc, dọn tỉa, vệ sinh vườn tre chưa áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên năng suất ở những diện tích trồng lâu năm đang có chiều hướng giảm dần. Trước thực trạng đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn kỹ thuật, vận động bà con chú trọng thâm canh chăm sóc vườn tre.

    Bà Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: "Những năm gần đây, cùng với việc mở rộng diện tích, huyện cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng thâm canh, chăm sóc và cải tạo những diện tích tre già cỗi. Qua triển khai cho thấy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh diện tích tre măng Bát độ đã có tác động trực tiếp đến năng suất, sản lượng măng như: tre sinh trưởng tốt, măng ra sớm hơn, tăng số lượng măng/khóm, tăng số lứa thu hoạch trong năm, hạn chế sâu, bệnh”. 

    Huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, vận động nhân dân thâm canh chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Bên cạnh đó, bà con nhân dân cũng cần quan tâm chăm sóc, cải tạo thâm canh những diện tích hiện có để có nguồn thu nhập ổn định và lâu dài. 

      

    Báo Yên Bái