• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Văn Chấn biến tấc đất thành “tấc vàng”
    10/11/2023 1:26:00 CH
    Lượt xem: 4590

    Với mục tiêu nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, những năm qua, chính quyền cùng nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Văn Chấn đã năng động đưa các giống cây trồng mới, có giá trị cao vào thay thế các diện tích đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả, đất gò cao, bước đầu đã mang lại hiệu quả.

     

    Nông dân xã Suối Bu, huyện Văn Chấn được hướng dẫn kỹ thuật để phát triển diện tích tre măng Bát độ.

     

    Những ngày này, gia đình ông Bùi Văn Vui ở thôn Kiến Rịa, xã Bình Thuận vẫn đang được thu hái  những lứa ớt sừng vàng châu Phi cuối vụ. Biết đến giống ớt này đã lâu, nhưng phải đến  cuối năm 2022, ông Vui mới mạnh dạn trồng thử sau khi thấy nhiều hộ xung quanh đã trồng và cho hiệu quả. 

    Ông Vui chia sẻ: "Vụ đầu tiên, tôi trồng 1.000 m2. Sau 3 tháng thì được thu những lứa đầu tiên khoảng 2 tạ quả, thu về 4 triệu đồng thì hết vụ. Thấy cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có thương lái thu mua tận vườn nên tôi trồng thêm 1.000 m2 nữa. 

    Khác với cây lúa 1 năm thu 2 vụ thì giống ớt này thu gần như quanh năm, chính vụ sẽ bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12. Thông thường, cứ sau vụ quả bói đầu tiên thì 3 ngày sau sẽ cho thu chính thức, trung bình 3 ngày hái 1 lứa, dự kiến năm nay, gia đình tôi sẽ thu hoạch khoảng 16 tấn, với giá bán trung bình từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg”. 

    Được biết, giống ớt sừng vàng châu Phi này được trồng ở xã Bình Thuận khoảng 3 năm gần đây, đã bộc lộ nhiều ưu điểm: thời gian thu hoạch nhanh, chi phí đầu tư ban đầu ít (khoảng 30 triệu đồng cho hạt giống, phân bón, vật tư), trồng 1 lần thu hoạch trong 2 năm, trồng được ở nhiều loại thổ nhưỡng, giá trị kinh tế cao (hiện trung bình 1.000 m2 cho thu 135 triệu đồng/8 tấn quả/năm), có đầu ra… Bởi vậy, thời gian gần đây, đã có trên 80 hộ ở Bình Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích đất đồi, vườn tạp, ruộng cạn sang trồng giống ớt này với tổng diện tích khoảng 10 ha, ước tính thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. 

    Còn tại Suối Bu - một xã vùng cao với tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Văn Chấn cũng đang có những hướng đi mới để biến "tấc đất” thành "tấc vàng”. Suối Bu có đất rộng, dân số ít nhưng lại là xã có ít đất sản xuất nhất huyện. Bình quân mỗi người chỉ có 1.450 m2 đất đồi, 140 m2 đất ruộng, còn lại là núi đá vôi, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Bởi vậy, việc đưa 2 giống cây trồng mới là tre măng Bát độ và na chất lượng cao vào trồng tại xã không những tận dụng được những diện tích đất ở các núi đá, đất đồi gò cao mà còn đem lại thu nhập cao cho đồng bào nơi đây. 

    Năm 2023, là năm đầu tiên người dân Suối Bu chính thức được bán những  lứa na Thái, na Đài Loan và măng tre Bát độ sau 2 - 3 năm vun trồng, chăm sóc. Trung bình 1 gốc na cho thu 2 - 4 kg quả, giá khoảng 70.000 đồng/kg, còn 1 gốc tre măng Bát độ cho thu khoảng 10 - 12 kg, giá 5.000 đồng/kg.  

    Bà Chu Thị Huế - Phó Bí thư Đảng ủy xã Suối Bu cho biết: "Na thì từ một vài chương trình, dự án của huyện và ngành khoa học, công nghệ với tổng diện tích khoảng 8,5 ha. Còn tre măng Bát độ thì được đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đưa về, thành lập tổ hợp tác hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng cây giống trả tiền sau và thu mua với diện tích khoảng 30 ha đã cho thu hoạch. Cơ bản các giống cây này đang sinh trưởng, phát triển tốt, tạo được nguồn thu nhập, đặt nền móng vững chắc để người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo”. 

    Ở huyện Văn Chấn còn có rất nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới đem lại hiệu quả bước đầu như: thị trấn Nông trường Trần Phú với mô hình trồng bí đao, hồng xiêm, xoài trên diện tích đất trồng cam nhiễm bệnh; mô hình trồng các loại cây dược liệu có giá trị theo hướng hàng hóa ở xã Thượng Bằng La… 

    Rõ ràng, việc chuyển đổi này đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân cải thiện thu nhập, mở ra một hướng đi mới cho nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Để thực hiện hiệu quả công tác này, hàng năm, huyện Văn Chấn đều quan tâm chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát diện tích đất lúa, đất gò đồi kém hiệu quả để xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang các giống cây trồng khác theo hướng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán, trình độ canh tác, có giá trị cao, có đầu ra cho sản phẩm. Chỉ đạo đội ngũ khuyến nông cơ sở thường xuyên theo dõi, hướng dẫn sản xuất, phòng trừ bệnh dịch, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng nông dân. 

     

      

    Báo Yên Bái