• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Văn Yên bảo tồn nguồn gen giữ thương hiệu quế
    08/12/2023 1:33:00 CH
    Lượt xem: 1984

    Văn Yên là vựa quế lớn nhất của tỉnh Yên Bái với tổng diện tích hơn 55.000 ha; trong đó, diện tích quế tập trung trên 30.000 ha được trồng ở tất cả 25 xã, thị trấn. Để tiếp tục nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, huyện Văn Yên đã và đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, bảo tồn, phát triển giống quế đặc sản địa phương.

     

    Cây quế ở Văn Yên được đánh giá là có nguồn gen quý, chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh dầu cao.

     

    Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có 5 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có giấy phép sản xuất, kinh doanh giống cây quế; trên 300 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức chưa có giấy phép đăng ký sản xuất, kinh doanh, chủ yếu là hoạt động tự phát; một số ký hợp đồng gieo ươm thuê cho các hợp tác xã và doanh nghiệp có giấy phép với khoảng 10.300 vạn cây. 

    Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở có giấy phép sản xuất, kinh doanh đã thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật, có nguồn giống hợp pháp; các đơn vị gieo ươm tự phát đa số trình bày gieo ươm để sử dụng nội bộ, không kinh doanh. 

    Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng cây quế bị chết nhiều sau khi trồng, cây nhiễm sâu bệnh kém phát triển do chất lượng cây giống không đảm bảo. Chính những nguyên nhân này đã làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, thương hiệu của vùng quế đặc sản. Do đó, thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải thực hiện tốt các quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

    Cùng với đó, xác định giống là khâu quyết định chất lượng vùng nguyên liệu, huyện Văn Yên đã đặc biệt chú trọng nghiên cứu nguồn gen và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế. 

    Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Để bảo tồn, phát triển nguồn gen, hướng đến việc bảo vệ thương hiệu quế Văn Yên, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát, khoanh vùng các diện tích quế cổ thụ (cây từ 30 tuổi trở lên) quy hoạch thành rừng giống chất lượng cao. Trung bình mỗi cây quế cổ thụ cho thu từ 20 đến 30 kg hạt/năm, đáp ứng giống trồng cho 20 - 30 ha. Hàng năm, huyện cung ứng cho các địa phương trong và ngoài tỉnh gần 50 triệu cây quế giống chất lượng cao”. 

    Ngoài việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng nguyên liệu tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện còn đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, tập trung  ở các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen tốt. Thực hiện Đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện  đã lựa chọn những cây làm giống dựa trên các tiêu chí: độ dày vỏ, cây thẳng, tròn, tán rộng, có sức sống vượt trội ở các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn gen. Ngoài ra, Văn Yên còn bảo tồn 14,5 ha quế tập trung ở các xã: Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu để làm nguồn giống cung ứng cho diện tích trồng mới hàng năm. 

     Trong năm 2023, huyện Văn Yên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 2 nguồn giống quế chuyển hóa từ rừng trồng với tổng diện tích 12,86 ha tại 2 xã Viễn Sơn và Yên Phú, nâng tổng diện tích quế giống trên địa bàn toàn huyện được công nhận là rừng giống chuyển hóa từ rừng trồng lên 74,86 ha. Các diện tích rừng giống hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn hạt giống và gần 10 triệu cây giống. Cán bộ kiểm lâm địa bàn kiểm tra đã thường xuyên giám sát quá trình thu hoạch vật liệu giống đảm bảo đúng kỹ thuật, thời vụ, chất lượng và hạt giống thu hái đúng diện tích đã được công nhận. 

    Việc tích cực tuyên truyền, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong công tác quản lý giống cây quế đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn nguồn gen quý của địa phương, chống pha tạp giống, nâng cao chất lượng giống cây, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp. 

    Tuy nhiên, trong năm 2023, do giá các sản phẩm từ cây quế xuống thấp nên diện tích khai thác không lớn dẫn đến không có diện tích để trồng rừng. Tình trạng đó đã khiến việc tiêu thụ cây giống trên địa bàn huyện Văn Yên giảm rõ rệt. Các vườn ươm chỉ xuất bán được từ 10% đến 30% số lượng cây giống đã gieo ươm. 

    Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp chính quyền trong huyện cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân về công tác quản lý giống cây quế; quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nói chung và cây quế nói riêng; thực hiện các buổi tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, người dân về công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. 

    Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống quế nhằm phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; kiên quyết tiêu hủy các lô cây con, hạt giống không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. 

      

    Báo Yên Bái