Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Văn Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh thu hút các DN đầu tư hợp tác với nông dân, hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tổ chức lại sản xuất để khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động của địa phương.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên tại thị trấn Mậu A
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn với ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chủ đạo và tất yếu để đảm bảo hiệu quả, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các loại nông sản của địa phương, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững, những năm qua, huyện Văn Yên triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản.
Ưu tiên phát triển 11 sản phẩm chủ lực của huyện theo chuỗi giá trị gồm: quế, lúa chất lượng cao, ngô, sắn, dâu tằm, măng tre Bát độ, cây ăn quả, cây dược liệu, gỗ rừng trồng, trâu, bò, lợn và các sản phẩm đặc sản hữu cơ gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bảo đảm cơ bản các sản phẩm chủ lực của huyện đều đạt chứng nhận nông sản hữu cơ quốc gia, quốc tế, các sản phẩm chủ lực của các xã, thị trấn đều đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Đặc biệt chú trọng thu hút các DN, phát triển mạnh hợp tác xã (HTX) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện; tạo liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp, HTX với tổ hợp tác và hộ gia đình trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Văn Yên còn quan tâm, vận động, hướng dẫn các chủ thể đưa các sản phẩm thế mạnh của huyện lên sàn giao dịch điện tử, góp phần quảng bá rộng rãi, đưa thông tin và sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần tăng sản lượng tiêu thụ, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận cho các chủ thể.
Năm 2021, sau khi được tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn về phát triển kinh tế số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX Quế Văn Yên, tổ 6, thị trấn Mậu A đã triển khai việc đưa các sản phẩm chủ lực của mình lên các sàn TMĐT. Cũng nhờ đó, thị trường tiêu thụ của HTX được mở rộng đến các tỉnh, thành trên cả nước, góp phần nâng cao sản lượng cũng như đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Ông Đặng Công Long - Giám đốc HTX cho biết: "Hiện nay, đã có 6/13 sản phẩm của đơn vị được đăng ký, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn như: Voso.vn và Postmart.vn. Việc đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT mang lại nhiều lợi ích từ việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến thanh toán và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Văn Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh thu hút các DN đầu tư hợp tác với nông dân, hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tổ chức lại sản xuất để khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động của địa phương.
Năm 2022, huyện có thêm 11 sản phẩm OCOP mới; trong đó, có 10 sản phẩm 3 sao là cá tầm Nà Hẩu; HTX Du lịch sinh thái cộng đồng và Homestay xã Phong Dụ Thượng; Điểm du lịch sinh thái cộng đồng thôn Minh Khai, xã Quang Minh; Chuối Ngự tiến Yên Hợp sấy dẻo; Bún gạo lứt Thanh Mai, xã Yên Thái; Phở khô Thanh Mai xã Yên Thái; Tinh dầu quế nguyên thiên sơn ngọc quế; Cao bột cà gai leo của HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn; Trà Quế Phương Nhung của Doanh nghiệp Tư nhân Phương Nhung; Tinh dầu sả chanh Văn Yên của HTX Quế Văn Yên và 1 sản phẩm 4 sao Tinh bột sắn của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (Nhà máy Sắn Văn Yên) và 2 sản phẩm đánh giá lại gồm: Nước lau sàn Quế Phát, Nước rửa chén Quế Phát đều của Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 38 sản phẩm; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao.
Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 của HĐND tỉnh, năm 2022 huyện Văn Yên có 361 cơ sở chăn nuôi và 11 tổ hợp tác được tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Đến giữa tháng 12/2022 đã nghiệm thu, giải ngân được 343 cơ sở và 11 tổ hợp tác với số tiền 7 tỷ 847 triệu đồng; số mô hình còn lại đang hoàn thiện hồ sơ.
Cùng đó, UBND huyện còn chỉ đạo các ngành, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi năm 2023 với 232 mô hình, 9 tổ hợp tác với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 4.856 triệu đồng.
Thời gian tới, huyện Văn Yên xác định tiếp tục vận động người dân tăng cường đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Tập trung nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản hiện có như quế, lúa chất lượng cao, ngô, sắn, gỗ rừng trồng…
Báo Yên Bái