Nhờ tích cực thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Văn Yên đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng các mô hình sản xuất, giúp người dân phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, nâng cao thu nhập.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên kiểm tra mô hình nuôi giun quế trong làng nông nghiệp thông minh ở xã An Bình.
Trong sản xuất nông nghiệp, một trong những định hướng của huyện Văn Yên là vận dụng kiến thức khoa học để xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Là "thủ phủ” của sắn, với tổng giá trị hàng năm lên tới 200 tỷ đồng, nhưng người dân Văn Yên đã và đang đối mặt với tình trạng đất bạc màu nhanh, dễ rửa trôi, xói mòn do canh tác lâu dài trên đất dốc lại ít chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho đất. Bởi vậy, hàng năm, huyện đều phối hợp xây dựng các mô hình canh tác sắn bền vững ở các địa phương.
Riêng năm 2023, huyện đã xây dựng 4 mô hình về cây sắn; trong đó, có 2 mô hình về canh tác sắn bền vững với các hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống năng suất, phân bón, hạt cỏ với tổng quy mô là 25 ha, 60 hộ tham gia.
Là một trong những hộ hưởng lợi từ các mô hình này, ông Đào Văn Hoàn ở xã Châu Quế Thượng cho biết: "Quá trình canh tác, gia đình tuân thủ đúng, đủ các bước sản xuất từ trồng, chăm sóc, bón phân, kết hợp sử dụng băng trồng cỏ chống xói mòn. Nhờ vậy, năng suất sắn củ tươi đạt 45 tấn/ha, cao hơn 15 - 20 tấn so với năng suất giống sắn khác”.
Để thay đổi thói quen chăm sóc cho người dân, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cũng phối hợp với Nhà máy Sắn Văn Yên xây dựng mô hình cấp phân bón hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy với chế phẩm men vi sinh Emic được triển khai thực hiện tại 8 xã trong vùng nguyên liệu sắn của huyện niên vụ 2023.
Qua 6 tháng đầu năm, Nhà máy đã cấp 2.072 tấn phân cho 296 ha trồng sắn. Bên cạnh đó, khi bệnh thối củ đang hoành hành, Trung tâm cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Thuốc Bảo vệ thực vật I Trung ương triển khai mô hình chống bệnh thối củ trên cây sắn tại xã Châu Quế Thượng và Châu Quế Hạ nhằm đánh giá hiệu quả và từng bước nhân rộng mô hình. Hay trong mô hình gieo cấy giống lúa ST 25 vụ xuân 2022 - 2023 theo hướng hữu cơ đã đưa giống lúa mới, cách canh tác mới đến với người dân vùng cao ở 2 thôn Khe Kìa, Làng Cang, xã Phong Dụ Hạ.
Tham gia mô hình, Trung tâm đã hỗ trợ 50% giống lúa, 100% chế phẩm phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học cùng với tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Kết thúc mô hình, năng suất lúa đạt 185 kg/sào (tương đương 51,4 tạ/ha), chất lượng gạo được đánh giá ngon, dẻo, thơm.
Đây chính là cơ sở để người dân xã Phong Dụ Hạ nhân rộng giống lúa mới có chất lượng đưa vào sản xuất, bổ sung cơ cấu giống lúa cho địa phương, thay thế cho các giống lúa cũ đã thoái hóa hoặc khả năng chống chịu kém.
Rõ ràng, việc xây dựng các mô hình sản xuất giúp người dân được tiếp cận với những cách làm mới, cây, con giống mới; từ đó, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân theo hướng tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, từng bước đưa những cây, con giống giá trị thay thế những cây, con giống kém hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nền nông nghiệp.
Đồng thời, các mô hình cũng dần đưa những cách canh tác an toàn, bảo vệ môi trường thay thế canh tác truyền thống như: mô hình hộ chăn nuôi lợn thịt kết hợp lợn nái theo hướng an toàn dịch bệnh ở xã Đông An, mô hình làng nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã An Bình…
Ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên chia sẻ: "6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã và đang triển khai 8 mô hình thử nghiệm cây, con giống mới, 10 mô hình trình diễn, 2 mô hình dân vận khéo. Các khuyến nông viên cơ sở cũng đã tích cực tuyên truyền vận động người dân xây dựng được 28 mô hình (trồng trọt, chăn nuôi) theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình khi triển khai sẽ là cơ sở để huyện tổ chức đánh giá kết quả, khả năng nhân rộng, từ đó tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục tham gia”.
Thông qua các mô hình sản xuất, những nỗ lực của Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đã có nhiều tác động tích cực trong việc chuyển hướng, "làm mới” nền nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường. Nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị, bảo vệ đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng đạt lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng.
Báo Yên Bái
Tin khác