• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP
    06/11/2024 3:57:00 CH
    Lượt xem: 1062

     

    Sản phẩm OCOP là sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

    Theo số liệu thống kê, tính đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 248 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 25 sản phẩm 4 sao và 223 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị thế trên thị trường và có mặt ở các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc. Qua đó đã từng bước góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

    Là một trong những Hợp tác xã đi đầu trong phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, những năm qua Hợp tác xã (HTX) sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh ở km10, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại từ nhà xưởng, kho đông lạnh, máy hấp, máy hút chân không… mà HTX này còn chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đến nay, HTX đã xây dựng được 5 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao là cá mương sấy, cá rô lọc xương sấy, lạp sườn, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy. Để có được kết quả này, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, một trong những giải pháp được HTX tích cực thực hiện nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị là chú trọng xây dựng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, trên mỗi sản phẩm đều có mã số mã vạch/QR-Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và cách thể hiện logo được bảo hộ trên bao bì, nhãn mác; cách ghi nhãn hàng hoá đầy đủ, đẹp, thể hiện được thông điệp sản phẩm… để khách hàng yên tâm khi lựa chọn.

    Bên cạnh việc chú trọng và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đưa các máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất như: Máy sấy lạnh để sấy táo mèo, sấy dẻo; Máy sấy sinh khối để sấy nóng táo mèo khô, lõi táo mèo,... thì việc tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số được HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương áp dụng một cách linh hoạt.

    Chị Đoàn Thị Lương - Giám đốc HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương cho biết: “Tận dụng được tất cả những tính năng nhanh, hiện đại và chính xác, thời gian qua Hợp tác xã Đoàn Lương đã tiếp cận được với mô hình chuyển đổi số và đưa được các sản phẩm nông sản lên trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok, Facebook,… Nhờ đó mà Hợp tác xã đưa được các sản phẩm nông sản tiếp cận tới tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh 1 cách nhanh nhất. Thực tế cho thấy, việc áp dụng hình thức bán hàng trên các nền tảng số đã giúp Hợp tác xã đã tăng 30% doanh thu và tiết kiệm được một nửa chi phí nhân sự so với cách làm truyền thống”.

    Tập trung phát triển nguồn nguyên liệu an toàn, lựa chọn quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chè gắn với xây dựng thương hiệu theo chuỗi giá trị là cách làm đang được HTX Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng ở thôn Khe Ngay, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên triển khai thực hiện. Không chỉ có vùng nguyên liệu trồng chè lên đến hơn 40 được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ các công đoạn chế biến chè luôn được thực hiện đảm bảo để sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất đã góp phần giúp thương hiệu Chè Bát tiên Bảo Hưng. Hiện nay, ngoài việc phân phối sản phẩm chè xanh Bát tiên Bảo Hưng cho các đại lý đã cộng tác nhiều năm thì Hợp tác xã còn có 02 điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội và Yên Bái.

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua việc triển khai Chương trình OCOP vẫn còn những hạn chế như: Công tác phát triển sản phẩm OCOP mới tập trung chủ yếu ở thị xã, thành phố và các xã, huyện vùng thấp mà chưa phát triển đều tại các xã trên địa bàn tỉnh. Còn có những sản phẩm sau khi được công nhận nhưng không được duy trì, và không tham gia đánh giá lạiBên cạnh đó, nhiều sản phẩm OCOP có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mang tính thời vụ, năng lực, trình độ lao động, cơ sở hạ tầng sản xuất, thương mại của chủ thể OCOP còn yếu; mẫu mã bao bì chưa tạo sự hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng. Với nhóm sản phẩm đặc sản, mang tính chuyên biệt cao thì khả năng mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục.

    Ông Nhâm Xuân Trường - Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới,Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, cho biết: “Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về chuyển đổi số; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với đó, việc hỗ trợ phát triển, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP cũng được quan tâm chú trọng. Tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái tham gia các sự kiện lễ hội, văn hóa, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; Xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với du lịch nông thôn. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn”./.

     

     

     

    Nguyễn Thị Minh Phượng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái