Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới, nhiều đơn vị, hợp tác xã (HTX) do người trẻ làm chủ trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội để giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm và gia tăng doanh thu.
Chị Đoàn Thị Lương - HTX Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương thực hành bán hàng trực tuyến khi tham gia khóa tập huấn kinh doanh trên nền tảng số.
Các sản phẩm từ chè Shan tuyết của HTX Trà Shan tuyết Phình Hồ, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu hiện đang được nhiều người tiêu dùng biết đến và lựa chọn sử dụng mặc dù HTX mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2023. Một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận là việc mạnh dạn khai thác tính phổ biến và sức lan tỏa mạnh mẽ của sàn TMĐT, các nền tảng số của Ban Giám đốc HTX.
Anh Đỗ Tuấn Lương - Giám đốc HTX chia sẻ: "Bên cạnh việc quan tâm tới chất lượng sản phẩm, chúng tôi đã đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, TikTok shop, Facebook… Đồng thời, liên kết với tài khoản: Chú Lâm Tâm Đạo, A Tủa Phình Hồ… vì đây là những người đã có sức ảnh hưởng, nổi tiếng với hàng trăm ngàn người theo dõi và hàng triệu lượt xem. Qua đó, HTX đã thực hiện các chiến dịch truyền thông, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và đôi khi cũng sẽ thực hiện một vài chương trình khuyến mãi để thu hút người mua”.
Phải khẳng định rằng, khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại và nền tảng số, cách làm của anh Lương khá bài bản từ việc chụp ảnh, làm video đều chuyên nghiệp, có chủ đích rõ ràng. Đó chỉ đơn giản là những câu chuyện về cách trồng, chăm sóc và làm trà nhưng được truyền tải đến người xem một cách hấp dẫn, gần gũi mà vẫn bộc lộ được ngụ ý về một sản phẩm đạt chất lượng tốt, sạch, mang đậm bản sắc đồng bào.
Nhờ đó, sau 1 năm ra mắt, sản lượng chè thành phẩm xuất bán ra thị trường đạt 3 tấn; thương hiệu Trà Shan tuyết Phình Hồ đã cán mốc 15 triệu lượt xem trên các nền tảng xã hội. HTX cũng mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 45 hộ dân Phình Hồ với giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg chè búp tươi.
Tuy nhiên, để việc kinh doanh trên nền tảng số thực sự hiệu quả, việc đưa sản phẩm lên sàn là chưa đủ. Chị Đoàn Thị Lương - Giám đốc HTX Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương là một nữ giám đốc trẻ năng động. Ngay từ khi xây dựng được các sản phẩm, chị Lương đã coi kinh doanh trên nền tảng số là hướng đi nhanh và hiệu quả. Chị Lương cho biết: " HTX tôi có lẽ là một trong những HTX rất tích cực trong việc tiếp thu các kiến thức về kinh doanh trên nền tảng số khi cuộc tập huấn nào về vấn đề này, tôi cũng đều tham gia. Qua những buổi học, tôi được hướng dẫn cách lập kế hoạch, xây dựng kịch bản, vận hành tổ chức một hoạt động trình chiếu sản phẩm trên môi trường số; đào tạo kỹ năng và hướng dẫn trực tiếp về cách thức bán hàng trực tuyến, xây dựng các gian hàng trên sàn TMĐT…
Tôi cũng được thực hành tham gia một số phiên livestream bán hàng cùng các KOL (người có sức ảnh hưởng) để bày bán một số mặt hàng của chính mình và nông sản tiêu biểu tỉnh. Đây vừa là kênh bán hàng vừa là kênh quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu rất tiềm năng, có hiệu quả, chi phí hợp lý nếu biết cách khai thác”.
Với mục tiêu mỗi nông dân sẽ là một thương nhân và mỗi HTX sẽ là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong tương lai, nông dân, HTX cần tiếp tục được hỗ trợ cũng như đầu tư, tự học, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng để trở thành những nhà bán hàng TMĐT thực thụ thay vì chỉ đưa sản phẩm lên sàn rồi... "mặc kệ”.
Trong thời đại Internet bùng nổ, xu hướng mua sắm online thông qua mạng xã hội và các sàn TMĐT đã, đang và sẽ tiếp tục phổ biến, lan toả mạnh mẽ. Nhiều đơn vị, HTX mong muốn chuyển đổi nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, tỉnh Yên Bái đã kịp thời có những hỗ trợ giúp các đơn vị, HTX tham gia các nền tảng số bằng nhiều hình thức như: tạo tài khoản trên các sàn thương mại, thiết lập mã QR, thanh toán trực tuyến và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số… |
Báo Yên Bái
Tin khác