Từ trồng manh nha, tự phát tại các hộ dân cũng như theo đề án, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có trên 380 ha cây mắc ca.Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tiếp tục khảo sát, xác định địa điểm, quy mô và diện tích trồng phù hợp với yêu cầu sinh thái nhằm đảm bảo phát triển bền vững và ổn định theo chuỗi giá trị.
Ông Dương Đức Tiến, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên trao đổi về kỹ thuật trồng mắc ca.
Vào những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến thăm đồi mắc ca 5 năm tuổi của ông Dương Đức Tiến, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên - một trong những người tâm huyết và có kinh nghiệm trồng mắc ca tại Yên Bái. Hơn 40 ha mắc ca của gia đình ông xanh mướt trong nắng hè, nhiều cây cho quả chi chít.
Ông Tiến cho biết: "Sau khi đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ khí hậu và thổ nhưỡng, năm 2018 tôi quyết định trồng cây mắc ca. Từ năm thứ 3 trở đi, cây mắc ca đã ra hoa bói; tuy nhiên, đến năm thứ 5 thì tôi mới để đậu quả. Năm nay, 80% số cây trong vườn có quả, trung bình mỗi cây có khoảng 3 kg. Đến đầu tháng 8 thì chúng tôi sẽ thu hoạch, dự ước năm nay sẽ thu được khoảng 4 tấn quả tươi”.
Được biết, hiện nay, cùng với huyện Trấn Yên, cây mắc ca đã có mặt tại nhiều địa phương như: Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên..., trong đó, Văn Chấn là huyện có diện tích lớn nhất với hơn 320 ha.
Theo ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn: cây mắc ca được bắt đầu trồng từ năm 2021; trong đó, huyện hỗ trợ 50.000 đồng/cây giống cho các hộ dân trồng mới ở các xã trong vùng quy hoạch như: Gia Hội, Nậm Búng, thị trấn Nông trường Liên Sơn và một số xã khác. Sau hơn 2 năm cho thấy, cây mắc ca phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trong vùng và có thể trồng xen với phần diện tích đã trồng chè và trồng thuần trên diện tích đất rừng sản xuất kém hiệu quả. Dự kiến đến hết năm 2023, diện tích mắc ca toàn huyện đạt 400 ha.
Hiện nay, trên toàn tỉnh có hơn 380 ha mắc ca, gồm cả tập trung và phân tán trên các diện tích đất lâm nghiệp; trong đó, trồng tập trung 64,66 ha; trồng xen canh chè 316 ha. Ngoài ra, còn một số diện tích trồng nhỏ lẻ ở các huyện: Lục Yên, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ. Các diện tích này chủ yếu mới trồng từ 1 đến 4 năm tuổi nên sản lượng thu hoạch chưa cao.
Năm 2022, sản lượng mắc ca ước tính gần 10 tấn quả tươi. Để phát triển bền vững cây mắc ca, năm 2021, UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Kiểm lâm thực hiện Đề tài khoa học "Thử nghiệm trồng cây mắc ca tại các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái” để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của một số giống cây mắc ca với 2 phương thức trồng thuần và trồng xen trên đồi chè, tại 3 huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải với tổng diện tích 12 ha, với sự tham gia của 10 hộ gia đình.
Trên cơ sở triển khai các đề tài trong giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh sẽ đưa ra các định hướng phát triển cây mắc ca trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây mắc ca lên gần 1.600 ha; trong đó, có 500 ha trồng xen canh chè tại huyện Văn Chấn, gần 1.100 ha trồng thuần tại các địa phương. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng 1 nhà máy sơ chế mắc ca tách hạt với công suất 500 tấn/năm.
Báo Yên Bái