Là tỉnh có diện tích rừng lớn, độ che phủ cao, Yên Bái đang tích cực để phát triển thị trường carbon rừng trong tương lai.
Yên Bái chú trọng phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng gỗ lớn.
Tiềm năng lớn về tài nguyên rừng
Sở hữu diện tích tự nhiên lên tới 16.950 ha vùng lõi và gần 10.000 ha vùng đệm, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là nơi lưu giữ hệ sinh thái động, thực vật phong phú. Nhiều năm qua, nhờ ý thức bảo vệ rừng của đồng bào người Mông nơi đây, những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt, được chuyên gia đánh giá đủ điều kiện để sản xuất tín chỉ carbon, mang lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương trong tương lai không xa.
Với gần 433.600 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 245.580 ha, rừng trồng trên 188.000 ha, độ che phủ rừng đạt 63%, Yên Bái là tỉnh có diện tích rừng đứng thứ 5/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hằng năm, toàn tỉnh trồng mới khoảng 15.000 ha rừng các loại, sản lượng gỗ khai thác gần 800.000 m3. Đây là tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.
Trong 9 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng tại Yên Bái đạt 15.557 ha. Lũy kế diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng, chứng nhận quế hữu cơ tại Yên Bái đến hết quý III/2024 là 27.424 ha (trong đó, chứng nhận quế hữu cơ gần 14.509 ha, chứng chỉ rừng bền vững FSC 13.000 ha), tạo điều kiện thuận lợi cho định hướng phát triển thị trường carbon.
Dựa trên tính toán của các nhà khoa học, nếu khả năng hấp thụ carbon của rừng trồng khoảng 15 m3/ha/năm, thì tổng lượng CO2 được hấp thụ bởi rừng tự nhiên và rừng trồng của Yên Bái đạt hơn 4,7 triệu tấn/năm. Nếu tính với giá mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký bán cho Ngân hàng Thế giới theo thỏa thuận chuyển nhượng giảm phát thải carbon rừng vùng Bắc Trung bộ là 5 USD/tấn CO2, Yên Bái có thể thu được gần 550 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng.
Những bước đi tích cực
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Việt Nam bắt đầu thí điểm sàn giao dịch carbon và năm 2028 sẽ chính thức vận hành. Với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, phấn đấu đến năm 2030, Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh đã và đang nỗ lực, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng gỗ lớn để sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ này.
Thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, sau Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái, trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản (tháng 5/2024), Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy Điện sinh khối Yên Bái 1 tại Cụm công nghiệp Bắc Văn Yên cho Công ty cổ phần EREX. Dự án có tổng vốn đầu tư 118 triệu USD, công suất thiết kế 50 MW điện sinh khối/năm. Đây là dự án phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp năng lượng bền vững.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, tổng diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng, tự nhiên sản xuất đưa vào khoán bảo vệ rừng năm 2024 là 224.508 ha (trong đó, rừng tự nhiên 205.828 ha, rừng trồng 18.680 ha). Diện tích rừng trồng được các chủ rừng chăm sóc bảo vệ tốt với tổng diện tích 47.000 ha.
Để người dân hiểu được lợi ích của rừng, từ đó quý trọng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hoạt động tuyên truyền, tập huấn được các ngành liên quan phối hợp với các cấp tích cực triển khai. Bên cạnh việc bảo vệ rừng tự nhiên hiện có, thông qua triển khai cơ chế đầu tư, phát triển rừng, Yên Bái thực hiện cơ cấu cây trồng trong rừng sản xuất, rừng trồng phòng hộ đảm bảo phù hợp, thích nghi với điều kiện và hỗ trợ phát triển vùng rừng rồng nguyên liệu theo hướng bền vững. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hình thành các vùng rừng trồng chuyên canh, tập trung.
Ngoài ra, Yên Bái đã chọn xã Đại Đồng và xã Phú Thịnh (huyện Yên Bình) để tham gia dự án thí điểm cấp tín chỉ carbon rừng, dưới sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Dương Anh Tuấn, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Bình cho biết: "Tỉnh sẽ tuyên truyền về cách tiếp cận mới để người dân nắm được các quy định về tín chỉ carbon rừng. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các cấp, ngành triển khai đánh giá, tạo cơ sở để xác định chính xác lượng giảm phát thải, đảm bảo người dân được thụ hưởng khi tín chỉ carbon được cấp trong tương lai”.
Đến nay, Yên Bái đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hiện trạng rừng trên toàn tỉnh. Theo kế hoạch, năm 2025, tỉnh sẽ triển khai kiểm kê phát thải carbon nhằm mục đích sớm gia nhập thị trường tín chỉ carbon.
Tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 63%; phấn đấu độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 65%, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai, giảm thiểu phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, thu hút vốn đầu tư vào các dự án bảo vệ và trồng rừng.
Theo Báo Yên Bái
Tin khác