• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Bước tiến mới trong phát triển chăn nuôi ở Yên Bái
    30/06/2022 8:35:00 SA
    Lượt xem: 7126

    Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái quyết tâm xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bền vững.

    Phát triển chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Minh An, huyện Văn Chấn.

    Mục tiêu phát triển chung là thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn gắn với XDNTM hiện đại, bền vững. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. 

    Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng hiệu quả, có giá trị gia tăng cao; cụ thể, trong lĩnh vực chăn nuôi phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 đạt 7-8,3%, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 2.740 tỷ đồng (tăng 810 tỷ đồng so với 2020), tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 24% năm 2020 lên 30% vào năm 2025 trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh.

    Tổng đàn gia súc chính đạt trên 950.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 74.000 tấn (gia súc chính 56.000 tấn, gia cầm 18.000 tấn và trên 65 triệu quả trứng). 

    Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và lớn theo quy trình an toàn sinh học, khép kín, phát triển trồng cỏ chất lượng cao, ngô sinh khối để đảm bảo nguồn thức ăn.

    Trong chăn nuôi lợn, tổ chức lại phương thức chăn nuôi theo hình thức doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín và chăn nuôi nông hộ với quy mô vừa và nhỏ khép kín, tuần hoàn được kiểm soát an toàn dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi lợn bản địa, đặc sản, hữu cơ… 

    Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với XDNTM bền vững giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực chăn nuôi đã có bước phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, nông hộ sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung. 

    Năm 2021, có thêm 22 cơ sở chăn nuôi tập trung, đưa tổng cơ sở chăn nuôi hiện có lên 972 cơ sở, đạt 90% so với mục tiêu vào năm 2025. Toàn tỉnh có 1.089 trang trại chăn nuôi; trong đó, có 11 trang trại quy mô lớn, 54 trang trại quy mô vừa và 1.024 trang trại quy mô nhỏ. 

    Các hộ đã chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đi vào chuỗi cung ứng có giá trị và thương hiệu, có nhiều sản phẩm chăn nuôi được bảo hộ sở hữu trí tuệ như: sản phẩm mật ong và gà xương đen Mù Cang Chải, ba ba gai Văn Chấn, gà trống thiến, vịt bầu Lâm Thượng (Lục Yên), thịt hun khói Mường Lò…

    Trâu, bò tập trung chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, năm 2021, phát triển mạnh tổng đàn đạt trên 134.553 con, tăng 6,8% so cùng kỳ và đạt 64,1% so với kế hoạch đến năm 2025 (160.000 con). Chăn nuôi lợn đạt 628.029 con, đạt 80% so với kế hoạch 2025; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 49.000 tấn, đạt 106,8% so với kế hoạch 2025. 

    Không chỉ đạt sản lượng xuất chuồng cao mà các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đã tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo hình thức tập trung, tuần hoàn, khép kín an toàn dịch bệnh. 

    Đáng chú ý nữa là hầu hết các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi đều đã được đưa ra khỏi khu dân cư, đô thị. Tỷ lệ đàn lợn lai, lợn ngoại tăng cao và chiếm 75% tổng đàn ở vùng thấp, vùng cao phát huy tốt giống lợn bản địa. 

    Trong chăn nuôi gia cầm, bà con đã đưa các giống gà lông màu và các giống nhập ngoại như J-DABACO, gà Minh Dư, gà lai chọi, gà mía… vào chăn nuôi phát huy hiệu quả rõ nét, luôn giữ tổng đàn 7 triệu con, sản lượng thịt đạt 12.000 -13.000 tấn/năm. 

    Những năm trước đây,  nông dân ở các xã vùng cao, vùng sâu chủ yếu chăn nuôi tự cung, tự cấp thì thời gian gần đây, chăn nuôi, nhất là gà đen - một giống gà đặc sản tại huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã phát triển với tổng đàn trên 162.000 con và 91.000 con lợn đen bản địa. 

    Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa không chỉ giúp người dân khai thác được tiềm năng, thế mạnh vật nuôi ở địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao mà còn chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, an toàn sinh học cho các cơ sở chăn nuôi. 

    Bên cạnh sự nỗ lực của người chăn nuôi, còn có sự tác động không nhỏ từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Chính sách đã giúp xây dựng chuỗi giá trị, đào tạo, tập huấn, giám sát dịch bệnh, hỗ trợ một phần con giống và cải tạo xây dựng chuồng trại…

    Trong bối cảnh dịch bệnh, giá cả vật tư tăng cao, đầu ra sản phẩm bấp bênh, với những khó khăn chồng chất mà ngành chăn nuôi vẫn đạt được những con số ấn tượng là một thành tích đáng được trân trọng!

      

    Báo Yên Bái