• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Nông dân làm giàu từ trồng cam
    11/02/2022 2:59:00 CH
    Lượt xem: 8682

     

    Khuyến khích phát triển các loại cây ăn quả có tiềm năng và giá trị kinh tế cao là một trong những mục tiêu quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Qua đó nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Một trong những hộ điển hình trong phòng trào phát triển và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả tại địa phương phải nhắc tới hộ ông Chung Văn Nguyên ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên.

    Có trong tay 2,5 ha đất đồi rừng, mặc dù đã xoay sở với nhiều loại cây trồng nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2000, ông Chung Văn Nguyên ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên quyết định tìm hiểu về các loại cây ăn quả có múi. Qua tìm hiểu và tham quan một số mô hình ở các địa phương trong tỉnh và phương tiện thông tin đại chúng, ông nhận thấy cây cam là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, ông đã bàn với gia đình mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

     

    Bắt tay vào trồng cam với diện tích đất sẵn có và vốn kiến thức ít ỏi có được qua thăm quan, tìm hiểu một số mô hình thực tế và trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyên áp dụng vào đồi rừng của gia đình. Thời gian đầu cũng khá khó khăn, vất vả, cây cam thường xuyên bị nhiễm bệnh..., sau nhiều năm trồng, tích lũy kinh nghiệm cùng với việc mạnh dạn đăng ký tham gia vào các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi do Khuyến nông địa phương tổ chức, ông Nguyên đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích.

    Ông Nguyên cho biết, trồng cam không khó song đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt về các biện pháp kỹ thuật, nhất là mật độ và khoảng cách trồng phải hợp lý, cây cách cây khoảng từ 3 - 4m, điều này rất quan trọng bởi sẽ hạn chế được sâu bệnh, cũng như tránh việc lây lan khi có cây bị bệnh và cũng thuận lợi hơn trong việc xử lý. Cây cam sau trồng từ 3 năm sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, nếu chăm bón tốt, cây cam có thể cho thu quả liên tục từ 15 - 20 năm mới phải trồng lại. Trong quá trình chăm sóc cam, người trồng cam cũng cần đặc biệt lưu ý kỹ thuật bón phân, chủ yếu là bón phân hữu cơ, các loại phân chuồng hoai mục để cam ra hoa và đậu quả tốt. Bên cạnh đó, cần phải đặc biệt chú ý đến các loại sâu bệnh thường gặp trên cây cam như: Bệnh vàng lá, thối rễ, bệnh chảy gôm, sâu đục thân, ruồi vàng… làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng quả và tình hình sinh trưởng, phát triển của cây. Do vậy cần có biện pháp xử lý ngay khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Trong quá trình trồng và chăm sóc cam khoảng một tháng trước khi thu hoạch quả tuyệt đối không được phun bất kỳ loại thuốc nào vào cây và quả để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

     

    Do chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng nên vườn cam của gia đình ông Nguyên ngày càng phát triển, ít sâu bệnh. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, ông Nguyên quyết định mở rộng thêm diện tích

    Cũng theo kinh nghiệm của ông Nguyên, để hạn chế tình trạng được mùa mất giá, người dân lựa chọn các giống cam có năng suất, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và đặc biệt cần lựa chọn các giống có thời gian thu hoạch xen kẽ nhau. Đồng thời, để có thị trường đầu ra ổn định, ông Nguyên chủ động tìm kiếm thương lái trong và ngoài tỉnh. Chất lượng khẳng định thương hiệu, cam của gia đình ông luôn được đánh giá cao với độ ngon, nhiều nước và tỷ lệ sơ thấp, do vậy được các thương lái rất ưa chuộng. Hiện tại với 2,5 ha trồng cam mỗi năm cũng mang lại cho gia đình ông Nguyên nguồn thu gần 200 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Cây cam đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình ông.

     

    Với những nỗ lực không ngừng, cùng những kinh nghiệm có được trong quá trình trồng cam, mô hình của gia đình ông Chung Văn Nguyên ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên sẽ là mô hình điển hình để nhân rộng trong và ngoài địa phương./.

     

     

                                         

      

    Nguyễn Thị Xuân