• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Trồng lúa cạn, năng suất không kém lúa nước
    04/09/2024 4:10:00 CH
    Lượt xem: 1045

    Không cần hệ thống kênh mương thủy lợi, không cần nước tưới nhưng giống lúa cạn LC93-1 được trồng tại huyện Hương Khê vẫn cho năng suất không thua kém lúa nước.

    Giống lúa cạn LC93-1 được trồng trên đất màu kém hiệu quả tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân huyện miền núi này.

    Một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm giống lúa cạn LC-93-1 là gia đình ông Trần Đình Luyến ở thôn Hương Bình, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê. Ông Luyến cho biết: Vụ hè thu năm 2021, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 sào (500m2) đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm giống lúa cạn do xã giới thiệu. Sau quá trình trồng thử nghiệm, giống lúa cạn cho năng suất ổn định, chịu hạn tốt nên vụ hè thu năm nay, gia đình ông đã mở rộng diện tích sản xuất lên 3 sào.


     

     

    Giống lúa cạn LC93-1 sinh trưởng, phát triển tốt trên những diện tích đất màu kém hiệu quả tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho năng suất 2,5 - 3 tạ/sào (500m2). Ảnh: Nguyễn Hoàn.

     

     

    “Trước kia, vào vụ hè thu, toàn bộ diện tích này chủ yếu trồng đậu, tuy nhiên nước tưới khó khăn, có những năm hạn hán cây đậu không ra trái, có những vụ đất phải bỏ hoang. Từ khi đưa lúa cạn về trồng, cho thấy năng suất đạt khá cao, vụ đầu tầm 2 tạ/sào, sau đó lên 2,5 - 2,7 tạ/sào, hơn hẳn trồng cây màu. Chúng tôi vừa có lúa gạo để ăn vừa có nguồn rơm rạ phục vụ chăn nuôi trâu bò nên đến nay cả 3 sào đất màu bỏ hoang trước kia tôi đều trồng lúa cạn”, ông Luyến phấn khởi.

     

     

    Với gia đình chị Võ Thị Hiền ở thôn Hương Giang (xã Lộc Yên), từ khi lúa cạn được một số hộ dân trồng cho hiệu quả trên đất màu, chị đã quyết định trồng thử 2 sào, sau thấy hiệu quả, vụ hè thu này diện tích trồng lúa cạn của gia đình chị được mở rộng lên 5 sào.


     

                                               Lúa cạn dễ canh tác, chỉ cần cày ải, lên luống và gieo thẳng, không cần nước tưới: Ảnh: UBND xã Lộc Yên.

     

     

    Chị Hiền chia sẻ: “Quy trình sản xuất giống lúa cạn này dễ làm. Chúng tôi chỉ cần cày ải, lên luống rồi trỉa hạt thẳng theo hàng. Chỉ có giai đoạn lúa bắt đầu lên xanh phải chịu khó làm cỏ, xới xáo để lúa không bị cạnh tranh dinh dưỡng và sinh trưởng, phát triển tốt. Theo đó, mỗi sào lúa trên ruộng cạn cho năng suất gần 3 tạ, tính ra cao hơn cả năng suất lúa nước vụ xuân. 

     

    Đặc biệt, giống lúa này cho gạo thơm ngon, được người dân ưa chuộng. Năm ngoái, nhà tôi bán lúa giống với giá 12.000 đồng/kg, lúa ăn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg (lúa khô), mang lại thu nhập mỗi sào trên 2,5 triệu đồng, trong khi đó nếu trồng đậu, nông dân chỉ thu về khoảng 1 triệu đồng/sào, trồng vừng tối đa cũng chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng”.

    Hương Khê là một trong những huyện miền núi khô hạn của Hà Tĩnh, nền nhiệt hàng năm vào mùa hè luôn tăng từ 0,5 - 1 độ C so với những nơi khác. Mặc dù trên địa bàn có hệ thống sông suối, hồ đập nhưng đa phần các công trình thủy lợi đều nhỏ nên công tác tưới cho cây trồng hết sức khó khăn.


     

     

              Vụ hè thu năm nay dù nắng hạn kéo khốc liệt kéo dài nhưng lúa cạn sản xuất tại huyện Hương Khê vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

     

     

    Trước những yếu tố bất lợi, hàng năm địa phương đã tổ chức rà soát, đánh giá kết quả sản xuất của từng loại cây trồng để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Đặc biệt, khi một số cây màu như ngô, vừng, cây đậu được trồng trong vụ hè thu trên những vùng đất cao cạn mang lại hiệu quả kinh tế thấp, việc triển khai chuyển đổi và đưa các giống cây trồng phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác được địa phương chú trọng. Trong đó, cây lúa cạn được trồng thử nghiệm từ năm 2021 đã cho thấy sự thích nghi tốt với điều kiện canh tác, khí hậu địa phương, mang lại hiệu quả cao nên diện tích ngày càng được nhân rộng.

     


     

                                                  Lúa cạn chống chịu khô hạn rất tốt, rất sạch sâu bệnh, lúa sáng mã, chất lượng gạo ngon. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

     

     

    Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) cho biết: Giống lúa cạn này được UBND xã Lộc Yên đưa từ tỉnh Đắk Lắk về sản xuất thử nghiệm vào năm 2021, sang 2022 sản xuất  lên 5ha và tăng dần diện tích, đến vụ hè thu năm 2024 toàn xã đã nhân rộng lên 40ha.

     

    Không chỉ tại xã Lộc Yên mà hiện nay trồng lúa cạn mà nhiều người dân một số xã như Phúc Đồng, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Đô (huyện Hương Khê) cũng đang chuyển đổi những diện tích đất trồng đậu, vừng kém hiệu quả sang trồng giống lúa này. Vụ hè thu năm nay, thời tiết nắng nóng khốc liệt kéo dài nhưng các diện tích lúa cạn vẫn xanh tốt và hiện đang bước vào giai đoạn chín, chuẩn bị thu hoạch.


     

                     Chính quyền địa phương kiểm tra, xác định thời điểm lúa chín để hướng dẫn bà con thu hoạch tránh thời tiết bất lợi xảy ra. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

     

     

    Bà Lê Thị Thắm - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê cho hay: Lúa cạn năm nay sinh trưởng, phát triển tốt hơn và qua kiểm tra đánh giá, dự kiến năng suất đạt khoảng 3 tạ/sào (sào 500m2), cao hơn năm ngoái 0,3 - 0,5 tạ/sào. Với đặc tính chịu hạn tốt, quy trình trồng đơn giản, ít sâu bệnh , huyện Hương Khê đã nhân rộng được gần 50ha giống lúa này và đang tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích tại những vùng đất khô hạn.

     

    Để phát huy hiệu quả mô hình này, Phòng NN-PTNT huyện cũng sẽ tham mưu UBND huyện có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân và nhân rộng các diện tích lúa cạn nhằm giảm diện tích đất màu bị bỏ hoang trong vụ hè thu. Đây là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân.


     

                                                             Lúa cạn không cần nước tưới vẫn cho năng suất không thua kém lúa nước. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

     

     

    So với trồng các cây hoa màu khác, trồng lúa trên ruộng cạn có giá trị kinh tế vượt trội trong khi điều kiện canh tác khá đơn giản. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 100 - 105 ngày), khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn và các điều kiện thời tiết bất thuận rất tốt, dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất trong mấy năm vừa rồi bình quân từ 2,5 - 2,7 tạ/sào, cho chất lượng gạo thơm ngon.

     

    Ngoài ra, rơm rạ trồng trên đất cạn tốt gấp rưỡi so với lúa nước, là nguồn phụ phẩm có chất lượng cao phục vụ chăn nuôi nên người dân rất phấn khởi chuyển đổi diện tích để trồng lúa cạn.

    nongnghiep.vn/trong-lua-can-nang-suat-khong-kem-lua-nuoc-d397656.html

     

     

    Báo Nông nghiệp Việt Nam