• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Cây na trên đất Bu Cao
    23/10/2023 8:52:00 SA
    Lượt xem: 3501

    Hơn 3 năm tham gia dự án trồng na Thái Lan, na Đài Loan nhập nội, một số hộ người Mông ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đã bước đầu nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc và thu hái những thành quả đầu tiên.

    Lãnh đạo xã Suối Bu, huyện Văn Chấn tham quan nương na của gia đình chị Xùng Thị Xía.

     

    Nắng chiều vàng rực chiếu xuống những nương na xanh mướt. Từ đằng xa, chúng tôi đã thấy cái bóng nhỏ nhắn của chị Vàng Thị Xinh thoăn thoắt, tất bật luồn qua tán lá thu hái thành quả. Trên vai đeo chiếc gùi truyền thống của người Mông, chị Xinh đi qua từng cây, tỉ mỉ lựa chọn những quả na to, đẹp nhất rồi mới cẩn thận cắt và nhẹ nhàng đặt vào gùi. 

    Chị Xinh thuật lại lời người lái buôn dặn: "Quả na giống Thái Lan và Đài Loan có nước da xanh, lớp da xù xì rất dễ bị xước dập. Trọng lượng mỗi quả cũng ngót nghét gần 1 cân nên thu hoạch phải cẩn thận, giữ được mẫu mã đẹp sẽ được giá hơn". 

    Đây là lần đầu gia đình chị Xinh được thu hoạch na sau hơn 3 năm trồng và chăm sóc hai giống na Thái và na Đài Loan theo Dự án của Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái. 

    Đáng nói hơn, đây cũng là lần đầu chị Xinh dành nhiều công sức và tự học hỏi cách trồng cây ăn quả với số lượng lớn, theo hướng hàng hóa dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của cán bộ kỹ thuật. Gia đình neo người, chồng đi làm thuê ở xã, các con còn nhỏ, chị Xinh vẫn cần mẫn trồng, chăm sóc 200 gốc na. 

    Chị Xinh chia sẻ: "Tôi chỉ quen trồng ngô, trồng sắn thôi. Được cán bộ xã vận động trồng thử nghiệm, được hỗ trợ từ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ, tôi mới đầu tư đất và công chăm sócthử cây na. Đến vụ này cây cho thu hoạch, tôi đã cắt bán cho thương lái địa phương với giá từ 70 đến 90 nghìn đồng/kg tùy thời điểm. Có thêm nguồn thu nhập mới, so với trồng ngô, sắn thì cao hơn nhiều lần". 

    Cũng tất bật như chị Xinh, anh Vàng A Sếnh mang theo cả cuốc để tranh thủ vừa vun gốc cho cây na xong còn chăm sóc cây ngô sen cảnh. Gia đình anh Sếnh trồng gần 150 gốc na theo Dự án, đến nay cây sinh trưởng, phát triển tốt. Cây cao và tán rộng chừng 2 m2, mỗi cây cho ra từ 5 đến 6 quả đều nhau và đang được cắt bán hằng ngày. 

    Anh Sếnh chia sẻ: "Việc trồng và chăm sóc cây na Thái Lan và na Đài Loan đòi hỏi kỹ thuật cao và công sức chăm sóc nhiều hơn so với cây trồng khác. Tuy nhiên, nhờ được hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên nên tôi cũng quen rồi. Ở Bu Cao vào dịp tháng 3-4, thời tiết thường khô hanh nên để cung cấp nước tưới thường xuyên cho cây, tôi phải tận dụng những hốc đá, khe nước rồi đắp thành ụ giữ nước trên nương mới tiện cho việc tưới cây. Những kỹ thuật cắt tỉa, bón phân, chăm hoa quả khác cũng đã được cán bộ hướng dẫn theo sổ sách rồi". 

    Vậy là sau hơn 3 năm tham gia Dự án trồng na Thái Lan, na Đài Loan nhập nội, một số hộ người Mông ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu đã bước đầu nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc và thu hái những thành quả đầu tiên. 

    Bí thư Chi bộ thôn Vàng A Dơ phấn khởi nói: "Cả thôn có 18 hộ tham gia trồng trên 5 ha giống na nhập nội trên đất dốc, đến nay đã cho thu hoạch; dự kiến năng suất gần 1 tấn/ha. Chúng tôi hy vọng cây na sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn để góp phần nâng cao đời sống cho người dân".

     

    Người dân thôn Bu Cao háo hức với giống na Thái Lan, na Đài Loan

     

    Bu Cao là thôn 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 140 hộ, 700 nhân khẩu,. Thôn vẫn còn 77% số hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Đời sống người dân dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ, thường trồng lúa, ngô, sắn ở những thửa ruộng nhỏ ven suối, ven đồi. Một phần đồi đất thoải nằm ven đường quốc lộ được người dân tận dụng trồng chè trung du cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến chè tại Văn Chấn, vốn được xem là nghề chính. Những năm gần đây, lớp thanh niên trẻ của thôn được học tập, làm việc ở nhiều môi trường, nhiều vùng miền trở về đã mạnh dạn thay đổi hình thức canh tác, phát triển kinh tế theo hướng mới. Từ đó, trong thôn đã có những gia đình kinh doanh dịch vụ, có gia đình sở hữu hàng chục ha quế, gỗ rừng trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa.  Việc mạnh dạn áp dụng những cây con giống mới như cây na, vì thế, cũng trở nên dễ dàng hơn.

    Bà Xùng Thị Xía - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu cho biết, người dân đang trồng và chăm sóc 12 ha  na theo các chương trình, dự án của tỉnh, huyện. Cây na cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho thu hoạch, góp phần nâng tạo thêm thu nhập cho người dân. Xã đã bàn đến phương án phát triển giống na Thái Lan, na Đài Loan ra toàn địa phương, rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn trong thời gian tới, đặc biệt là về giống, kỹ thuật chăm bón và tìm đầu ra cho sản phẩm.

      

    Báo Yên Bái